Phân tích Thu điếu, bên cạnh bức tranh thiên nhiên mùa thu tuyệt đẹp, ta còn thấy được nỗi lòng trăn trở với thời cuộc và sự đượm buồn của tác giả – nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cuocthimyhappiness sẽ hướng dẫn bạn cách phân tích nội dung, nghệ thuật của bài thơ Thu điếu và làm thành bài văn hoàn chỉnh.
Contents
Phân tích đề
- Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ Thu điếu qua các chi tiết trong tác phẩm nhằm làm sáng tỏ những điều mà tác giả muốn gửi gắm cũng như giá trị của tác phẩm.
- Phương pháp làm bài: Sử dụng thao tác phân tích để làm bài.
Khái quát về tác giả Nguyễn Khuyến và tác phẩm Thu điếu
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Nho giáo. Các tác phẩm của ông thường nói về các vấn đề liên quan đến đạo đức con người, nhất là người quân tử. Khi nhận thấy xã hội thực tại quá rối ren, ông đã lui về ở ẩn và sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp của tâm hồn con người với thiên nhiên. Ngoài ra, Nguyễn Khuyến còn gửi gắm trong mỗi tác phẩm của mình tấm lòng yêu thương sâu sắc.
Thu điếu hay còn được biết đến với cái tên Câu cá mùa thu là một trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, được sáng tác khi nhà thơ đã về ở ẩn. Bài thơ thể hiện sự tươi đẹp và thanh bình của thiên nhiên, ẩn trong đó là tấm lòng sâu sắc và những trăn trở về cuộc đời, con người và vận mệnh đất nước của tác giả.
Bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của “Tam nguyên Yên Đỗ” Nguyễn Khuyến
Các luận điểm chính cần triển khai khi phân tích Thu điếu
- Luận điểm 1: Bức tranh mùa thu tươi đẹp ở vùng quê Bắc Bộ được khắc họa qua sáu câu đầu.
- Luận điểm 2: Tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ khi thu sang qua đó thể hiện tâm hồn yên thiên nhiên và tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng sâu sắc của tác giả.
Dàn ý phân tích Thu điếu
1. Mở bài
– Giới thiệu chung về nhà thơ Nguyễn Khuyến:
+ Nguyễn Khuyến sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông đã từng đỗ đầu 3 kì thi và được gọi là “Tam nguyên Yên Đỗ”.
+ Là một người cực kỳ tài năng và là nhà thơ Nôm xuất sắc của Việt Nam nói riêng và của nền văn học trung đại nói chung.
+ Là người có cốt cách thanh cao và tấm lòng yêu nước, thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc.
– Giới thiệu chung về tác phẩm Thu điếu:
+ Là một trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, bài thơ không chỉ bày tỏ tình yêu thiên nhiên, đất nước mà còn thể hiện tâm trạng của tác giả trước thời thế.
+ Bài thơ được viết theo thể loại thất ngôn bát cú đường luật.
2. Thân bài
Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên mùa thu Việt Nam
– Điểm nhìn của tác giả: cảnh vật trong bức tranh mùa thu được đón nhận từ gần đến cao rồi lại từ cao trở lại gần. Từ chiếc thuyền câu nhìn lên mặt ao, đến bầu trời, ngõ trúc rồi lại quay về với ao thu, thuyền sâu.
– Từ điểm nhìn là một khung ao hẹp, nhà thơ mở ra một không gian mùa thu với cảnh sắc sinh động và hình ảnh vừa cân đối vừa hài hòa của vùng quê Bắc Bộ.
=> Tất cả tạo nên một bức tranh mùa thu làng quê Việt Nam yên bình, dịu nhẹ. Điểm trên sắc xanh của bức tranh thu là sắc vàng của lá rụng khiến cảnh thu càng thêm phần sống động.
Hai câu đề
– Gợi ra không gian làng quê tĩnh lặng, yên bình với cảnh vật mùa thu tươi đẹp. Từ láy “lạnh lẽo” thể hiện sự tĩnh lặng của mặt ao, màu sắc ao thu “trong veo” gợi lên sự dịu nhẹ, đơn sơ của mùa thu miền Bắc. Hình ảnh “chiếc thuyền bé tẻo teo” giữa không gian rộng lớn đã phá vỡ sự tĩnh lặng của ao thu. Cách gieo vần “eo” gợi tình, gợi cảm càng tạo cảm giác nhỏ bé, cô đơn.
=> Chỉ bằng hai câu thơ mở đầu, Nguyễn Khuyến đã thể hiện rõ những rung cảm của tâm hồn trước vẻ đẹp của tiết trời mùa thu.
Hai câu thực
– Nối tiếp hai câu đề, nhà thơ tiếp tục hoàn thiện bức tranh mùa thu với các hình ảnh đặc trưng của mùa thu:
+ Sóng mang màu xanh biêng biếc nhưng cũng chỉ “hơi gợn tí” thể hiện sự lay động rất nhẹ và không ảnh hưởng đến sự tĩnh lặng của cảnh thu.
+ Hình ảnh lá vàng là hình ảnh quen thuộc của miền Bắc Việt Nam mỗi khi thu sang kết hợp với cụm từ “khẽ đưa vèo” cũng thể hiện sự chuyển động cực nhẹ, cực khẽ.
+ Nghệ thuật đối được sử dụng khéo léo “sóng biếc” >< “lá vàng”, “hơi gợn tí” >< “khẽ đưa vèo”, lấy động tả tĩnh gợi nên không gian mùa thu đẹp nhưng man mác buồn và đầy tĩnh lặng.
=> Chúng ta có thể thấy được tâm hồn tinh tế và cảm nhận sâu sắc của thi nhân với thiên nhiên mùa thu. Thông qua hai câu thực, tác giả đã vẽ ra một bức tranh mùa thu không chỉ đơn thuần có cảnh tĩnh mà còn có cả sự chuyển động. Không gian mùa thu ấy tĩnh lặng đến mức gần như tuyệt đối nên mới thấy được từng chuyển động dù là nhỏ nhất của sóng, của lá. Bức tranh mùa thu được Nguyễn Khuyến vẽ nên từ những hình ảnh bình dị nhất, gần gũi nhất với người dân làng quê Bắc Bộ.
Hai câu luận
– Không gian của cảnh thu được tác giả mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu. Hình ảnh “tầng mây lơ lửng” gợi những áng mây trên bầu trời dường như không trôi đi mà chỉ lơ lửng trên bầu trời “xanh ngắt”. Nhà thơ tiếp tục sử dụng màu xanh để gợi tả về mùa thu nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ nữa mà là sắc xanh thuần một màu trên diện rộng. Đó là đặc trưng chỉ mùa thu mới có mà không khoảnh khắc nào khác trong năm chúng ta có thể nhìn thấy sắc xanh đó.
– Ngoài cảnh sắc thiên nhiên, mùa thu làng quê miền Bắc còn được gợi lên với hình ảnh “ngõ trúc quanh co”. Đây là hình ảnh quen thuộc của người dân miền Bắc mỗi khi thu về. Vần “eo” một lần nữa được sử dụng đã thành công gợi sự thanh tĩnh, yên ả của cảnh vật. Nếu như ở hai câu trước, không gian mùa thu được mở rộng về chiều cao thì đến hai câu này, không gian được mở rộng cả về chiều sâu. Tất cả tạo nên không gian mùa thu vắng lặng và thanh tịnh.
Bức tranh thiên nhiên mùa thu trong Thu điếu
Luận điểm 2: Tình thu
– Nguyễn Khuyến kết thúc bài thơ bằng sự xuất hiện của con người. Trong không gian tĩnh lặng, hình ảnh con người hiện lên với tư thế “tựa gối buông cần”. Động từ “buông” cho thấy người đi câu chỉ đơn giản để ngắm cảnh thu, thả lỏng bản thân và không quan tâm đến việc có câu được cá hay không. Ẩn sâu trong đó là sự thư thái, thong thả của người thi sĩ, câu cá để tâm hồn được thư thái, là thú vui điền viên.
– “Cá đâu đớp động” – tiếng động làm bừng tỉnh cả không gian tĩnh lặng. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh lại một lần nữa được Nguyễn Khuyến sử dụng thành công.
=> Bài thơ là bức tranh mùa thu làng quê miền Bắc đẹp và tĩnh lặng đồng thời cũng chính là tâm trạng đau buồn, cô quạnh của nhà thơ trước hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Cảnh thu dù có đẹp đến đâu cũng không thể khiến tác giả yên tâm thưởng thức bởi những trăn trở về xã hội và đời sống nhân dân khổ cực.
Hình ảnh con người trong bài thơ Thu điếu
3. Kết bài
– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Thu điếu:
+ Giá trị nội dung: Bài thơ là bức tranh thiên nhiên mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ, qua đó ta thấy được tình yêu thiên nhiên, đất nước và nỗi niềm trăn trở của tác giả trước thời cuộc.
+ Giá trị nghệ thuật: Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với nghệ thuật lấy động tả tĩnh cùng cách sử dụng từ ngữ tinh tế và cách gieo vần độc đáo.
– Cảm nhận chung của bản thân về bài thơ Thu điếu.
Trên đây là hướng dẫn phân tích Thu điếu từ cuocthimyhappiness, hy vọng với những gợi ý trên, các bạn có thể tự làm thành bài văn hoàn chỉnh và có thể đạt điểm cao từ thầy cô.